1. Lựa chọn vùng đất để trồng chăm sóc chanh dây
1.1 Lựa chọn vùng đất trồng chăm sóc chanh dây
Vùng đất trồng cây chanh dây áp dụng theo tiêu chuẩn đài loan . Vùng đất này phải được khảo sát, đánh giá sự phù hợp giữa điều kiện sản xuất thực tế với qui định hiện hành của nhà nước. Đối với các mối nguy gây ô nhiễm về hóa học, sinh học và vật lý lên chất lượng quả. Trong trường hợp không đáp ứng các điều kiện thì phải có đủ cơ sở chứng minh có thể khắc phục được hoặc làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn.
Cây chanh dây nói chung không kén đất. Nhưng thích hợp nhất ở vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng canh tác sâu trên 50 cm, độ mùn trên 2% và pH khoảng 5,5-6. Nếu đất chua thì cần phải tăng cường bón vôi.
1.2 Quản lý vùng đất trồng chăm sóc chanh dây
Hàng năm, cần phải tiến hành phân tích, đánh giá các nguy cơ tiềm ẩn trong đất trồng chanh dây theo tiêu chuẩn hiện hành chung của nhà nước. Nhằm đảm bảo quả chanh dây cho chất lượng và an toàn.
Cần có biện pháp chống xói mòn và thoái hóa đất trên những vùng đất dốc. Như trồng theo đường đồng mức, trồng cây chống xói mòn… Các biện pháp này phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ.
Khi cần thiết phải xử lý các nguy cơ tiềm ẩn từ đất. Người sản xuất phải được sự tư vấn của nhà chuyên môn và phải ghi chép và lưu trong hồ sơ các biện pháp xử lý.
Không được chăn thả vật nuôi gây ô nhiễm nguồn đất, nước trong vùng sản xuất. Nếu bắt buộc phải chăn nuôi thì phải có chuồng trại và có biện pháp xử lý chất thải. Đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sản phẩm sau khi thu hoạch.
2. Đặc điểm sinh thái để trồng chăm sóc chanh dây
Chanh dây giống quả tím thích hợp vùng á nhiệt đới. Cao độ 500-1.200 m so mặt biển cho chất lượng quả tốt.
Nhiệt độ, ánh sáng: Cây chanh dây ưu thích ánh sáng nhẹ, nhiệt độ thích hợp nhất 20-250C. Nếu lạnh quá dưới 100C hoặc trên 300C cây chanh dây không phát triển được. Vì vậy cần phải trồng cây che bóng và tủ gốc cây bằng rơm rạ.
Lượng mưa: Cây chanh dây cần nước thường xuyên, đòi hỏi lượng mưa trung bình từ 1.600 mm trở lên, phân bố đều. Trong thời kỳ cây chanh dây ra hoa cần phải tưới nước bổ sung trong mùa khô để giúp cho cây ra hoa và đậu quả liên tục. Yêu cầu nước nhiều nhất vào giai đoạn quả đang ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, nếu đất thiếu nước sẽ làm cho quả teo lại và rụng.
3. Chọn giống để trồng chăm sóc chanh dây
Chanh dây trồng sản xuất có loại giống chanh dây quả tím
3.1 Chanh dây quả tím
Là loại cây leo lâu năm, lá có 3 khía, màu xanh, có răng cưa, gốc hình quả tim, ra hoa vào sáng sớm, trước trưa hoa cụp lại. Cành mới ra mỗi đốt có một hoa, gốc màu tím. Quả chanh dây hình tròn hoặc chanh dây hình trứng đường kính khoảng 4-5 cm. Khi chanh dây chín quả có màu tím đậm. Vỏ quả cứng. Hạt đen, nhỏ, nhiều hạt. Thịt quả vàng, thơm dịu, nhiều nước, có vị chua.
3.2 Chanh dây quả vàng
Tương tự loại quả tím nhưng phát triển mạnh hơn. Thân, gân, lá, râu leo màu hồng, hoa tím hồng. Lá tương tự chanh dây quả tím, nhưng lớn hơn. Gốc hoa màu tím thẫm. Quả lớn, vỏ màu vàng. Vị thịt quả chua. Hạt màu nâu sẫm. Hoa nở vào ban trưa, 9-10 giờ tối thì cụp lại.
Cây giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng. Nếu tự sản xuất giống phải có hồ sơ ghi lại đầy đủ các biện pháp xử lý hạt giống. Xử lý cây con, hóa chất sử dụng, thời gian, tên người xử lý và mục đích xử lý. Trong trường hợp giống và gốc ghép không tự sản xuất phải có hồ sơ ghi rõ tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân và thời gian cung cấp, số lượng, chủng loại, phương pháp xử lý giống, gốc ghép.
Để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, tuyến trùng và khả năng sinh trưởng phát triển, người ta dùng giống quả chanh dây tím ghép lên gốc ghép giống quả vàng.
4. Làm giàn để trồng chăm sóc chanh dây
4.1 Kiểu giàn chanh dây
Giàn phẳng đều hay vòng cung: Kiểu giàn này có diện tích lớn, đỡ tốn cọc trụ hơn giàn chữ T, nhưng lại tốn cọc phụ.
Giàn chữ T: Diện tích mặt giàn nhỏ hơn, tốn cọc trụ hơn, nhưng có diện tích ánh sáng lớn dễ chăm sóc và có sản lượng cao hơn.
4.2 Vật liệu làm giàn để trồng chăm sóc chanh dây
Do chu kỳ sinh trưởng của cây chanh dây kéo dài, trọng lượng thân, quả lớn nên vật liệu làm giàn phải chắc chắn. Tốt nhất là cọc gỗ chắc hoặc cọc tre già
– Cọc trụ: dài 2,2-2,5 m, khoảng cách từ cọc này qua cọc khác là 3 m. Trồng quanh chu vi vườn là 48 cọc/1.000 m2.
– Cọc phụ cần khoảng 100 cái/1.000 m2. .Vật liệu thường dùng là cọc tre hoặc cọc gỗ.
– Dây kẽm đường kính 4 mm dùng để kéo các cọc trụ xung quanh giàn.
– Dây kẽm đường kính 2,5 – 3,0 mm dùng để căng đường dọc và đường ngang theo công thức 3 m x 3 m. Làm đường trục chính và phần néo từ đỉnh cọc xuống, mỗi cọc gần 2 m.
– Dây kẽm đường kính 0,8-1,0 mm dùng để đan ô nhỏ với khoảng cách 0,6 m x 0,6 m.
Kỹ thuật làm giàn có ảnh hưởng lớn đến việc ra hoa và đậu quả của cây chanh dây. Thực tế nhiều nơi do chưa có kinh nghiệm làm giàn hoặc chỉ kết hợp làm giàn che bóng mát nên chanh dây ra ít hoa hoặc không ra hoa do các cành quả đan chen nhau, cạnh tranh về ánh sáng.
5. Đào hố trồng và mật độ trồng của cây chanh dây
5.1 Đào hố trồng:
Kích thước hố trồng dài 60 cm, rộng 60 cm và sâu 40 cm, bỏ lớp đất mặt riêng để trộn với phân bón lót.
5.2 Mật độ trồng và khoảng cách trồng
Tùy theo điều kiện đất đai và khả năng thâm canh, ở Việt Nam có thể trồng các mật độ:
625 cây/ha: khoảng cách 4 m x 4 m.
1111 cây/ha: khoảng cách 3 m x 3 m.
1333 cây/ha: khoảng cách 2,5 m x 3 m.
Tại Đài Loan trồng mật độ khá cao 2.777 cây/ha: khoảng cách hàng cách hàng 3 m, cây cách cây 1,2 m.
5.3 Cách trồng chanh dây
Gỡ bỏ bầu, lấy cuốc hoặc dùng tay móc lỗ để trồng, mặt bầu không sâu hoặc cao hơn mặt đất của hố, lèn chặt xung quanh cây. Trồng xong tưới đẫm nước, cắm cọc bảo vệ và che nắng cho cây con. Thời gian che nắng giai đoạn đầu cho cây con khoảng 15 ngày.
5.4 Làm bồn để trồng chăm sóc chanh dây
Để nâng cao hiệu quả cho việc bón phân và tưới nước do đó cần phải làm bồn cho cây, chiều cao bồn khoảng 10-15 cm, kích thước bồn khi cây bước vào kinh doanh bờ bồn cách gốc khoảng 1 m.
6. Tạo tán tỉa cành chanh dây:
Chanh dây là cây thân leo, sinh trưởng khỏe, phân cành nhiều, nhanh, nếu cắt tỉa thường xuyên, đúng kỹ thuật thì cây ra nhiều hoa. Mục đích là tạo bộ khung chính mang các cành quả phân bố đều, khả năng tiếp nhận ánh sáng tốt, tập trung chất dinh dưỡng cho những cành cho quả phát triển đầy đủ và cân đối, hạn chế sâu bệnh và duy trì khả năng sinh trưởng, phát triển trong những năm tiếp theo.
6.1 Tạo tán
Cây con trong quá trình sinh trưởng leo lên giàn ta cần tỉa bỏ những cành cấp một, chỉ để thân chính. Khi cây cách giàn từ 20-40 cm để từ 5 đến 6 cành cấp một, các cành này được phân bố đều theo các hướng trên giàn. Trên mỗi cành cấp một để từ 4 đến 5 cành cấp hai.
6.2 Tỉa cành
Sau khi thu hoạch đợt quả đầu tiên cần tiến hành tỉa cành, tỉa lá cho vườn cây. Công việc này được lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm. Cần cắt tỉa những cành lá sau:
– Cành mọc quá dày, mọc lộn xộn chồng lên nhau.
– Cành bị sâu bệnh gây hại.
– Cành bị che lấp trở nên còi cọc không có khả năng ra hoa, quả.
– Cành vượt sinh trưởng không bình thường, vươn dài ra.
– Cành thui chột, cành đã cho quả vụ trước.
– Các lá vàng, lá già và lá bị bệnh.
– Lá ở các quả đã lớn, đã phình to.
– Lá của những cành không cho quả.
Khi cắt bỏ cần cắt sát những chỗ phân cành để giảm sự phát triển cành khác. Vị trí cắt cách chỗ phân cành chính từ 10-15 cm. Dụng cụ cắt tỉa cành phải sắc bén, cắt trong tán trước, sau đó mới ra ngoài tán. Cành lớn cắt trước, cành bé cắt sau, tránh tạo những mảng trống, làm sao để sự phân bố cành thật đều. Chú ý quá trình cắt tỉa phải thu dọn lá, cành ra khỏi vườn, vệ sinh vườn sạch sẽ.
7. Quản lý nước tưới và nước xử lý sau thu hoạch
Nước tưới cho sản xuất và xử lý sau thu hoạch phải đảm bảo là nước sạch.Nước được kiểm tra và đảm bảo không gây nguy cơ ô nhiễm hóa chất và sinh học. Việc đánh giá nguy cơ ô nhiễm hóa chất và sinh học từ nguồn nước sử dụng cho: tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng cho bảo quản, chế biến. Xử lý sản phẩm, làm sạch và vệ sinh, phải được ghi chép và lưu trong hồ sơ. Trường hợp nước của vùng sản xuất không đạt tiêu chuẩn. Phải thay thế bằng nguồn nước khác an toàn hoặc chỉ sử dụng nước sau khi đã xử lý và kiểm tra đạt yêu cầu về chất lượng. Ghi chép phương pháp xử lý, kết quả kiểm tra và lưu trong hồ sơ.
Không dùng nước thải công nghiệp, nước thải từ các bệnh viện, các khu dân cư tập trung, các trang trại chăn nuôi, các lò giết mổ gia súc gia cầm, nước phân tươi, nước tiểu chưa qua xử lý trong sản xuất và xử lý sau thu hoạch.